Trang Dịch

Powered By Blogger

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

CHUYỆN ÔNG TÁO LÊN TRỜI

(Đăng lại)
        Mấy ngày giáp Tết, mọi người nói nhiều đến việc ngày 23 tháng Chạp đưa Táo Quân lên trời. Một số bạn bè nhắn tin hỏi là đã chuẩn bị gì để cúng đưa ông ấy lên trời chưa, tôi trả lời hóm hỉnh: Nhà mình nay nấu bếp ga, làm gì có 3 ông Táo nữa mà đưa lên, đưa xuống. LG thì hỏi mua cá chép chưa? HG nhắn tin bảo là thời đại @ này ai mà đi lên trời bằng cá? Anh NX thì gợi ý là Táo Quân lên Thiên đình bằng xe tay ga. Tốt nhất theo mình là Táo Quân nên gửi mail lên cho Ngọc Hoàng mà ở đây ăn Tết với bạn bè Bờ lốc cho vui vẻ.
         Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên Thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế. Táo quân cũng còn gọi là Táo công là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.
        Thực ra thì sự tích Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, nói về tình nghĩa yêu thương giữa một người vợ và hai người chồng, một cũ, một mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau. Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về cai quản bếp núc ở gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
          Thời tôi còn nhỏ, gần ngày 23 tháng Chạp, mẹ đã mua sẵn các lễ vật cúng gồm có 3 bộ mũ áo cho hai ông, một bà Táo, 3 đôi hia và một ít vàng thoi bằng giấy. Những đồ này sẽ đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Đến ngày đưa ông Táo lên Trời nhà tôi soạn một mâm cơm có một con gà luộc, đĩa xôi, canh, nhiều món khác nữa. Cúng là đốt pháo, tụi nhỏ chúng tôi chạy quanh nhặt pháo lép... Ngoài ra, để các ông và bà Táo có phương tiện về chầu trời, dân quê tôi còn cúng cá gáy còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về Trời. Con cá gáy này sẽ được "phóng sinh". Cúng xong, bố bảo tôi ra Bàu trước nhà thả cá gáy. Tôi tiếc đứt ruột con cá to mà đem thả đi uổng quá. Sau đó thì thượng cây Nêu ngày Tết..
          Đó là chuyện mấy chục năm về trước khi tôi còn nhỏ. Bây giờ khi tôi ra ở riêng, công việc trường lớp, cơ quan chập mặt, chập mũi đâu có thời gian mà chăm lo cho ông Táo. Có tuần, vợ đi vắng HG ăn mỳ tôm suốt, Táo Quân có lẽ cũng không cần đưa mà ông cũng đã tự giác đi nhà khác đời tám hoánh rồi. Hì hì..
            Nhưng HG tin với đa số người dân Việt Nam, nhất là các bà nội trợ thì ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm đã, đang và sẽ rất quan trọng vì là khởi đầu cho một cái Tết vui vẻ và có ý nghĩa đối với mỗi gia đình phải không nào.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

MỘT CUỘC CHIA TAY TRONG TRIỆU CUỘC CHIA TAY



       Thế là mình lại chia tay với Trung tâm Dạy nghề - nơi hơn 5 năm gắn bó - để đi nhận nhiệm vụ mới. Thực tình mà nói, mình không muốn xa nơi này, nhưng rồi mình cùng muốn thay đổi môi trường công tác khi tổ chức phân công. Ngày chia tay thật là cảm động, kỷ niệm cũ cứ ùa về...Dù vẫn biết đến nơi công tác mới mình cũng sẽ có nhiều đồng chí, bạn bè mới.
 








Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

MỪNG SINH NHẬT CHÁU NGOẠI

MỪNG SINH NHẬT CHÁU NGOẠI

---------

       Ngày 18/1/2013 là sinh nhật cháu ngoại Võ Hoàng Đạt. Năm nay cháu 7 tuổi đang học lớp Một tại trường của bà ngoại. Chữ Đạt viết rất đẹp. Hì hì. Hy vọng sau này cháu sẽ không khổ vì viết chữ đẹp. Trời lạnh quá, ông bà và mẹ cháu bận quá, nhưng Đạt vẫn có đến 2 bánh sinh nhật. Trẻ em ở nông thôn thế là sướng rồi phải không nào. Chúc cháu ngày càng ngoan và chóng lớn.

Đích tôn
Hai mẹ con Đạt
Đạt hát
Đốt pháo sáng
Trong muôn vàn tình thương ông bà và mọi người đã dành cho Đạt